Lưu ý khi mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Dưới đây là 3 vấn đề cần lưu ý khi thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ liên quan đến công chứng giấy tờ, hợp đồng:
1. Cần lưu ý các trường hợp bắt buộc và không bắt buộc công chứng trong mua bán nhà đất.
Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Cụ thể:
- Giao dịch bắt buộc công chứng: Xem tại đây
- Những giao dịch không bắt buộc công chứng gồm:
- Hợp đồng về nhà ở
- Tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
- Mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
- Mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư.
- Góp vốn bằng nhà ở mà có 1 bên là tổ chức
- Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.
Những trường hợp trên không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
- Hợp đồng về quyền sử dụng đất
- Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất,
- Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp;
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản
Với các trường hợp trên được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
- Hợp đồng kinh doanh bất động sản:
a) Hợp đồng mua bán nhà, công trình xây dựng;
b) Hợp đồng cho thuê nhà, công trình xây dựng;
c) Hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng;
d) Hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất;
đ) Hợp đồng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản.
2. Được quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực
Trường hợp Luật quy định được công chứng hoặc chứng thực thì các bên có thể lựa chọn thực hiện 1 trong 2
Nơi công chứng, chứng thực: tại các tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở trên địa bàn cấp tỉnh nơi có đất hoặc tại UBND cấp xã nơi có đất.
3. Giá trị pháp lý khi lựa chọn công chứng hoặc chứng thực
- Đối với công chứng:
Quy định tại Luật Công chứng 2014 thì: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
- Đối với chứng thực:
Căn cứ Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chứng thực có thể được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính chính xác, hợp pháp của các giấy tờ, văn bản, chữ ký của các nhân, thông tin cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong quan hệ dân sự.
Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Thông thường các bên sẽ lựa chọn hình thức là công chứng vì tính pháp lý cao và ít rủi ro hơn